LỊCH SỬ CHAI ĐỰNG NƯỚC HOA QUA CÁC THỜI ĐẠI - TỪ CỔ ĐẠI ĐẾN HIỆN ĐẠI

14/05/2024
|
Viết bởi: Blanc Perfume

Bạn có hình dung ra được các lọ nước hoa thời cổ đại có hình thù ra sao chưa? Nó sẽ là những lọ pha lê lấp lánh, là thủy tinh trong suốt hay được đựng trong một lọ gỗ thô sơ? Nếu chính bạn cũng tò mò về các lọ nước hoa thời xa xưa trông như thế nào, vậy thì hãy cùng Blanc khám phá Hình dạng lọ nước hoa qua từng thời kì trong bài Blog này nhé!

Thời cổ đại

Khởi nguồn từ tín ngưỡng tôn thờ các vị thần của người Ai Cập, chất thơm xuất hiện lần đầu tiên dưới dạng xông. Trong các nghi lễ Tế thần hay chôn cất các vị Pharaoh vĩ đại, người ta dùng các hương liệu khô như hoa, rễ cây hay gỗ để đốt lên xông mùi thơm với niềm tin rằng hương thơm có thể giúp họ kết nối với thần linh và các vị Pharaoh, họ cũng sẽ được lên thiên đàng khi đắm mình trong hương thơm ngào ngạt. 

Cũng chính vì thế, vật chứa đựng chất thơm đầu tiên là những chiếc chum, vại cỡ lớn được làm từ đất sét hay đá. Ngoài thể hiện niềm tin, tôn giáo và tín ngưỡng, trên mỗi chiếc chum người ta thường khắc các biểu tượng và hình ảnh liên quan đến đời sống hàng ngày và văn hóa của họ; bao gồm các hình ảnh của các vị thần, pharaoh hoặc các biểu tượng như ngôi sao, mặt trời, và các biểu tượng thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá. Họa tiết còn bao gồm các biểu tượng về cuộc sống nơi cõi vĩnh hằng.

 

Các dạng chất thơm sau đó được các thương nhân mang từ Ai Cập phổ biến khắp các vùng Lưỡng Hà, La Mã và Hy Lạp. Khi kỹ thuật làm gốm ở thành phố Mendes phát triển hơn, chai đựng nước hoa bằng gốm dạng vò hai quai ra đời. Vò nước hoa lúc này có nắp chặn làm bằng bần hoặc gỗ và thường được đậy bằng một cái đĩa bằng gốm cho vừa. 

Nước hoa sau đó được chiết xuất từ nhiều bộ phận của cây: hoa, lá, cành, rễ, trái hòa trộn với nhau, chúng được ngâm cùng với các nguyên liệu khác trong dầu nóng tạo ra tinh chất thơm. Chai nước hoa lúc này cũng nhỏ hơn do tinh chất đậm đặc và chiết ra được ít hơn.

Các biến thể của chất thơm sau đó được người Ai Cập làm thành hai dạng: dạng sáp rắn và dạng thuốc mỡ. Dạng sáp rắn được họ trét lên đầu thành dạng nón để dành cho các nghi lễ tâm linh, còn dạng thuốc mỡ khá dính, ngọt chứa tinh dầu thơm thực vật và mỡ động vật dùng bôi trực tiếp lên quần áo, da và tóc vào các dịp đặc biệt. Các hỗn hợp thuốc mỡ này được đựng trong lọ thủy tinh được chế tác ngày càng tỉ mỉ và công phu hơn. Hình dạng chai đựng lúc này cũng chính là hình dáng tiền thân của các lọ nước hoa sau này. 

Nếu nói về bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử nước hoa thì có lẽ là xuất phát từ Ba Tư. Những thay đổi then chốt và đổi mới là chính xác những gì đã diễn ra tại đây: Lần đầu tiên, người Ba Tư có thể tạo ra nước hoa không chứa dầu bằng phương pháp chưng cất. Tại đây, nước hoa là biểu tượng của sự cai trị. Các lọ nước hoa thường mang thiết kế uốn cong, trang trí cầu kì, nắp đậy chắc chắn và được làm từ các chất liệu như thủy tinh, gốm sứ, hoặc thậm chí là làm từ bạc và vàng; chất liệu sẽ phụ thuộc vào tầng lớp xã hội của người sử dụng. 

Nguồn: WysInfo (https://wysinfo.com/perfume-bottles-the-ancients/)

Trên tay các vị vua Ba Tư cổ đại, lọ nước hoa được biểu tượng hóa như một tác phẩm nghệ thuật tinh tế và sang trọng. Chúng được làm từ các chất liệu cao cấp nhất như vàng, bạc hoặc thủy tinh sáng màu. Thân lọ được chạm khắc tỉ mỉ với các họa tiết hoa văn đan xen các chi tiết tinh xảo, ẩn chứa những câu chuyện hoặc biểu tượng của triều đại. Phần nắp được trang trí bằng các viên ngọc quý, đá quý hoặc các viên pha lê lấp lánh tôn lên vẻ đẹp và giá trị của nước hoa, đồng thời thể hiện sự quý phái và quyền lực của các nhà vua.

 

Thời Trung Cổ

Khi nhắc tới thời Trung cổ, người ta thường chun mũi vì đây được xem như thời kỳ hôi thối nhất trong lịch sử. Lý do là vì các thành phố và làng mạc thời đó tràn ngập đủ loại rác thải, từ chất thải động vật và con người cho tới xác ngựa hoặc lợn. Để đối phó với mùi hôi thối tràn ngập cuộc sống hàng ngày, cùng lúc với sự ra đời của các thành phần và quy trình chế tạo mới mà nước hoa trở nên phổ biến hơn.

Thời điểm này nổi tiếng nhất là pomander, đây là loại nước hoa dạng rắn được đựng trong hình dạng quả tròn bằng kim loại, thường được đeo trên dây nịt hay cầm trên tay. Còn nước hoa dạng lỏng được bảo quản trong những chiếc lọ tuyệt đẹp, tinh tế. 

 

 

Chai nước hoa ở cuối thời Trung cổ, nhờ họa tiết cách điệu và chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hóa cũng như phong cách mỹ thuật Ả Rập, phản ánh sự sang trọng và thường được trang trí bằng đá quý để tạo ấn tượng cho mọi người xung quanh.

Sự thanh lịch của thời kỳ Phục Hưng

Ở thời kỳ này, pomander vẫn giữ được vị trí của nó. Tuy nhiên, tới cuối thời Trung Cổ, kỹ thuật làm kính của thành phố Venice phát triển và cho ra đời phong cách chế tạo ra cristallo (có nghĩa là thủy tinh trong suốt) có tên là façon de Venise. Phong cách này nổi tiếng toàn Châu Âu khi ngành làm kính và nước hoa ngày càng phát triển, nước hoa dạng lỏng vì thế cũng trở nên phổ biến hơn.

Thời kỳ Phục Hưng mang tới mối quan tâm mới về nghệ thuật, văn hóa và thẩm mỹ, chai nước hoa cũng vì vậy mà cầu kỳ hơn. Với thiết kế lấy cảm hứng từ các hoạt tiết cổ điển, người thợ thổi thủy tinh đã tạo ra các chai đựng có nhiều hình dạng khác nhau, từ những chiếc bình thanh lịch tới những cái ống đựng đầy sắc sảo.

 

Nguồn: The Met Museum (https://www.metmuseum.org/art/collection/search/120000324)

Thế kỷ 17 đến thế kỷ 19

Giới quý tộc và quân chủ ở châu Âu thế kỷ 17 và 18 coi nước hoa không chỉ là một phụ kiện mà còn là một thành phần thiết yếu trong cuộc sống. Cuối thế kỷ 17, trung tâm của ngành công nghiệp nước hoa đã được thiết lập tại Pháp, các ngành công nghiệp liên quan cũng sản xuất ra nhiều loại chai lọ đựng các thành phần nước hoa làm thơm.

Tới thế kỷ thứ 18, khi thời trang và các lý tưởng xã hội thay đổi, các tầng lớp xã hội cao ưa chuộng chất lỏng có mùi thơm của hoa cỏ. Nước hoa rắn (pomander) phải nhường chỗ cho nước hoa dạng lỏng thường có thành phần nền là cồn hay giấm. Thời đại này cũng chứng kiến sự thay đổi trong thiết kế chai nước hoa. 

Các cô gái được dạy là nên mang theo bên người ống đựng nước thơm (được gọi là vinaigrette). Chai nhỏ hơn và tinh tế hơn, thường được làm bằng thủy tinh hoặc pha lê đẽo gọt. Đôi khi, chai có điểm nhấn bằng đồ chạm khắc bằng bạc hoặc vàng, phản ánh tình yêu của thời Victoria với những thiết kế trang trí công phu và phức tạp. Ống vinaigrette có nhiều kiểu dáng và đặc biệt là có kích thước nhỏ để có thể được đựng trong túi xách, được trang trí cầu kỳ và có gắn xích kim loại có chốt, bên trong có chứa muối thơm hoặc cục bông có tẩm giấm thơm. 

 

 

Sự tinh tế của thời đại Victoria

Thiết kế chai nước hoa của thế kỷ 18 ở Châu Âu phát triển nhanh chóng phụ thuộc vào thời trang đương thời. Lúc này, chai đựng nước hoa được làm từ thủy tinh đẽo gọt, thủy tinh bọc bạc, sứ hay thủy tinh trắng rất phổ biến thời đó. Nhiều chai cố gắng dựng lại phong cách mạ vàng của thiết kế Rococo hoặc hình ảnh khung cảnh đồng quê của Thời kỳ Lãng mạn. 

Rococo là một kiểu trang trí Baroque độc đáo của nghệ thuật Pháp từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, nổi tiếng với lối trang trí cân xứng của hoa, lá, vỏ sò hay họa tiết cuộn giấy. Các chai đựng nước hoa có phong cách này gắn liền với vị hoàng hậu Marie Antoinette, thường được làm bằng thủy tinh trắng đục và được sơn trang trí bằng men.

 

Thế kỷ 18, 19 và 20: Không chỉ là chai đựng nước hoa, đó còn là một tác phẩm nghệ thuật.

Thời gian này, người ta cũng dần dần công nhận rằng danh tiếng người làm chai nước hoa cũng tương xứng như người tạo ra nước hoa vậy. 

Vào năm 1900 tại Triển lãm hoàn cầu tại Paris, Hervé Guimard đã trưng bày thiết kế chai để đựng nước hoa của nhà chế tác nước hoa Milliot, điều này đã làm thay đổi nền công nghiệp nước hoa thời bấy giờ; cũng bởi triển lãm đã đánh dấu cột mốc bắt đầu sự hợp tác giữa các nhà thiết kế và nhà chế tác nước hoa. Theo sau đó vào năm 1907, nghệ nhân nước hoa Francois Coty cũng bắt tay với thợ làm kính Ren Lalique để cho ra đời chai nước hoa Ambre Antique.

 

Thời đại cách mạng công nghiệp

Nếu chai đựng nước hoa ở thế kỷ 18 tới đầu thế kỷ 19 là dành cho thành phần ưu tú và giàu có của xã hội, thì bỗng dưng khi bước vào giữa thế kỷ 19, cuộc Cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi sự thật đó. Nước hoa nhân tạo trở nên phổ biến, các nhà sản xuất bắt đầu sản xuất hàng loạt, cho phép tạo ra các chai thủy tinh và pha lê có giá cả phải chăng với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Chai đựng nước hoa lúc này vì vậy mà rẻ hơn, kéo theo giá thành của nước hoa xuống. Nước hoa lúc này không còn là một món đồ xa xỉ mà phù hợp với mọi thành phần xã hội.

Ở Mỹ, thay vì tập trung vào các mẫu thiết kế cổ điển và tân cổ điển như ở Châu Âu, nước Mỹ quyết định sẽ làm cách mới của riêng mình và tạo ra loại chai đựng độc đáo, thể hiện được cái chất của nước hoa bên trong. Tiêu biểu là các kiểu chai đựng khắc Ornate trên chất liệu thủy tinh cắt gọt của thợ trang sức Louis Comfort Tiffany.

 

Thế kỷ 20 đến Thời hiện đại và các thiết kế đương thời 

Từ đầu thế kỷ thứ 20, các nhà chế tác pha lê bắt tay sản xuất những chai nước hoa có vẻ đẹp ấn tượng. Các nhãn hàng thử nghiệm nhiều hình dạng độc đáo, kết cấu và màu sắc để tạo ra không chỉ chai đựng nước hoa mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. 

Sau Thế chiến thứ nhất, xu hướng của chai đựng nước hoa bị ảnh hưởng mạnh mẽ do lối sống thay đổi của thế hệ thanh niên và nhóm phụ nữ giải phóng mới. Thập kỷ 1920 nói chung gắn liền với mong muốn phá vỡ lề lối truyền thống để hướng tới sự hiện đại. 

Trong thời gian này và các thập kỷ sau đó, nhiều phong trào nghệ thuật ra đời cũng ảnh hưởng tới các phong cách của chai đựng nước hoa. Tiêu biểu trong số đó là trào lưu Art Deco và Art Nouveau.

Cuộc cách mạng Tân Nghệ thuật (Art Nouveau)

Vào cuối thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20, phong trào Art Nouveau đã cách mạng hóa thiết kế chai đựng nước hoa. Các nghệ sĩ như René Lalique đã tạo ra những chiếc chai tuyệt đẹp với hình dạng tự nhiên, uyển chuyển, thường có họa tiết hoa, dây leo và các sinh vật thần thoại. Đặc biệt, những sáng tạo của Lalique được các nhà sưu tập săn đón vì vẻ đẹp nghệ thuật của chúng.

 

Trào lưu Art Deco

Chai đựng nước hoa được thiết kế theo trong cách Art Deco có dạng như các tòa nhà chọc trời nhờ các đường nét hình học tinh gọn, thường được làm bằng thủy tinh trong suốt hoặc thủy tinh đục. Phong cách này mang tới ấn tượng hiện đại và hướng tới tương lai như tinh thần của lớp thế hệ mới của thế kỷ 20.

Các công ty muốn biến chai nước hoa thành những món đồ trang trí trên bàn trang điểm. Và cũng nhờ các thiết kế độc đáo của mình mà một số nhà chế tác thủy tinh và chai nước hoa có được danh tiếng kéo dài đến tận ngày nay, phải kể đến như nhà chế tác trang sức người Pháp René Lalique nổi tiếng với chai nước hoa bằng thủy tinh đục. Nhờ phát minh vòi phun ở thế kỷ 19 mà ở giai đoạn này, nước hoa chủ yếu được đựng trong chai có vòi xịt. 

Những chai đựng mang tính biểu tượng giúp cho nước hoa dễ được nhận ra ngay lập tức, điều này cho thấy giá trị của thiết kế chai đựng nước hoa đối với hãng nước hoa nói chung. 

Vào năm 1946, Elsa Schiaparelli tạo ra phiên bản chai đựng nước hoa kỳ lạ nhất từ trước đến giờ có tên là Le Roy Soleil. Chai có dạng mặt trời và những làn sóng nổi bật để biểu thị sự tự do của nước Pháp khỏi Đức Quốc xã. 

Chai nước hoa L’Air du Temps của nhà Nina Ricci có cánh chim bồ câu thể hiện sự tự do và duyên dáng. Chai nước hoa pha lê và nét chấm phá bằng thủy tinh mờ trên đôi cánh vẫn được ưa chuộng cho đến ngày nay. 

 

Chanel No.5, chai nước hoa nổi tiếng nhất thế giới thời bấy giờ có thiết kế thủy tinh gọt đẽo ở các viền giúp nước hoa màu hổ phách bên trong trông như tỏa sáng bằng tất cả vẻ rực rỡ của nó. 

Ngoài ra, ở đương thời, xu thế cũng chuyển qua ưa chuộng các thiết kế mang tính mới lạ và kiểu cách tương lai. Các hãng nước hoa như Moschino và Jean Paul Gaultier nhờ thế mà định hình được thương hiệu của mình nhờ kiểu thiết kế chai lạ mắt này. 

 

Kết luận

Từ những nền văn minh đầu tiên như Ai Cập và Lưỡng Hà tới cuộc cách mạng nghệ thuật của phong trào Tân Nghệ thuật, lịch sử của chai đựng nước hoa là minh chứng cho sức sáng tạo và khéo léo vượt bậc của con người. Chai đựng nước hoa đã phát triển từ những cái lọ đơn giản tới những tác phẩm nghệ thuật phức tạp, mỗi thiết kế kể cho chúng ta câu chuyện riêng về thời đại và văn hóa của chính nó. Dù nó được trang điểm bằng các đường chạm khắc tinh tế, nhào nặn thành hình các sinh vật huyền thoại hay được thiết kế bởi các nghệ nhân nổi tiếng, chai nước hoa vẫn tiếp tục quyến rũ chúng ta bằng vẻ đẹp và thanh lịch của chúng. Ngày nay, nước hoa, một phần nhờ vào chai đựng bên ngoài, đã trở thành biểu tượng của sự sang trọng, phong cách và sự lôi cuốn bất tử.

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi

popup

Số lượng:

Tổng tiền: